Di chúc là một giấy tờ hợp pháp thể hiện nguyện vọng, mong muốn của một người về cách phân chia tài sản mình có được sau khi chết. Trong di chúc, cá nhân hoặc nhóm người được chỉ định là người thực thi, quản lý tài sản cho đến khi được phân chia hết đúng theo di chúc. Vậy cách chia tài sản thừa kế theo di chúc được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của đội ngũ Luật sư Luật Rong Ba sẽ đưa ra những tư vấn chính xác nhất cho quý khác hàng về vấn đề này.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Lưu ý: Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự 2015.
(Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015)
Hiệu lực của di chúc
– Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
– Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
(Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015)
cách chia tài sản thừa kế theo di chúc
Di sản dùng vào việc thờ cúng
– Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
– Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
(Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015)
Di tặng
– Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
– Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
(Điều 646 Bộ luật Dân sự 2015)
Quy định về cách chia tài sài thừa kế theo di chúc
Trường hợp 1: Nếu có để lại di chúc
Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc như sau:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Điều 626 quy định về Quyền của người lập di chúc như sau:
“Người lập di chúc có quyền sau đây:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Nếu bố bạn lập di chúc thì người có tên trong di chúc sẽ được hưởng di sản thừa kế của bố bạn. Tuy nhiên, tại thời điểm bố bạn mất, di chúc phát sinh hiệu lực có thể sẽ phát sinh người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Nếu phát sinh trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì khi phân chia phần tài sản của bố bạn sẽ chia cho những đối tượng này trước. Sau đó, phần còn lại mới được phân chia theo di chúc.
Trường hợp 2: Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp
Nếu bố bạn không có di chúc và di chúc không hợp pháp thì phần di sản của bố bạn sẽ được phân chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;”
Như vậy, nếu thuộc trường hợp này thì tài sản của bố bạn sẽ chia đều cho vợ hợp pháp và tất cả các người con.
Phân tích các quy định về cách chia tài sản thừa kế theo di chúc
“1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”.
Sau khi mở thừa kế thì bất cứ lúc nào những người thừa kế cũng có quyền yêu cầu chia di sản nhưng trong thực tế rất ít khi di sản được đem chia ngay, thường là sau một thời gian dài hay ngắn từ khi mở thừa kế, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của những người thừa kế. Di sản mà người chết để lại có thể được phận chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Khoản 1 Điều luật trên quy định việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người lập di chúc. Theo cách phân chia này thì ý chí của người lập di chúc được tôn trọng và thực hiện, có nghĩa là di sản được chia theo đung ý nguyện của người đã chết. Để việc chia di sản thừa kế theo đúng ý nguyện của người lập di chúc, việc phân chia di sản phải theo đúng một trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất: di sản được chia theo tỉ lệ: Là trường hợp di chúc đã xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản để phân chia di sản. Lúc này, mỗi người thừa kế được hưởng phần di sản theo tỷ lệ đã được xác định trên tổng giá trị khối tài. Khi phân chia di sản, để xác định được phần tỷ lệ mà người thừa kế được hưởng là bao nhiêu, phải thực hiện việc định giá từng loại tài sản để xác định cụ thể giá trị của toàn bộ di sản.
Thứ hai: di sản được phân chia theo từng hiện vật cụ thể. Đây là trường hợp người để lại di sản đã xác định rõ trong di chúc ai là người được hưởng di sản là hiện vật, và cụ thể là hiện vật theo sự xác định trong di chúc “kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản”, “nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường”
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về cách chia tài sản thừa kế theo di chúc . Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về cách chia tài sản thừa kế theo di chúc và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.