Kết hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng theo các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Vì vậy, khi kết hôn, người kết hôn phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn và phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, không phải ai cũng nắm bắt được thủ tục đăng ký kết hôn, do đó bài viết dưới đây của đội ngũ Luật sư Luật Rong Ba sẽ đưa ra cách nhìn khách quan nhất cho khách hàng về vấn đề này.
Khái niệm kết hôn, đăng ký kết hôn
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, kết hôn được hiểu là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Điều 3 khoản 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
+ Phải thể hiện ý chí của cả nam và nữ là mong muốn được kết hôn với nhau:
Quyền kết hôn là quyền gắn liền với nhân thân của mỗi cá nhân. Vì vậy, việc kết hôn trước hết phải thể hiện ý chí tự nguyện của người kết hôn. Đây cũng là cơ sở để đảm bảo cho. nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được tuân thủ. Do đó, khi kết hôn, người két hôn phải bày tỏ ý chí tự nguyện kết hôn trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn sẽ tiếp nhận tờ khai đăng ký kết hôn và giải quyết việc đăng ký kết hôn. Vì vậy, trong tờ khai đăng ký kết hôn và trước cơ quan đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ thể hiện rằng họ hoàn toàn mong muốn được kết hôn với nhau. Nam, nữ kết hôn là mong muốn được gắn bó với nhau trong quan hệ vợ chồng và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Do đó, sự tự nguyện của nam nữ trong việc kết hôn vừa là điều kiện đảm bảo cho hôn nhân có giá trị pháp lý và đồng thời cũng là cơ sở xây dựng gia đình bền vững. Đối với những trường hợp khi tiến hành đăng ký kết hôn, phát hiện thấy có dấu hiệu của sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn hoặc kết hôn giả tạo, cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối việc đăng ký kết hôn. Trường hợp, đã đăng ký kết hôn mà phát hiện thấy có các dấu hiệu vi phạm sự tự nguyện kết hôn thì việc kết hôn đó có thể bị xử hủy khi có yêu cầu.
Như vậy, sự thể hiện ý chí của người kết hôn luôn là một yếu tố cơ bản của việc kết hôn. Dưới góc độ pháp lý, sự thể hiện ý chí này phải là sự thể hiện ý chí về việc mong muốn trở thành vợ chồng trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Phải được Nhà nước thừa nhận
Hôn nhân chỉ được Nhà nước thừa nhận khi việc xác lập quan hệ hôn nhân tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Để việc kết hôn được phù họp với các quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kết hôn sau khi nhận hồ sơ đăng ký kết hôn phải tiến hành điều tra, xác minh về những vấn đề mà các bên nam, nữ đã khai. Neu những điều mà các bên nam, nữ khai là đúng và phù hợp với các điều kiện kết hôn thì cơ quan đãng ký kết hôn tiến hành đăng ký việc kết hôn cho họ theo đúng nghi thức do pháp luật quy định. Như vậy, hai bên phải thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Nhà nước mới có căn cứ để thừa nhận quan hệ hôn nhân. Kết hôn theo đúng quy định của pháp luật mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Khi kết hôn, hai bên nam, nữ phải tuân thủ các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hồn. Pháp luật của Nhà nước ta quy định điều kiện kết hôn thể hiện tính khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng thời cũng phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kết hôn và công nhận quan hệ vợ chồng bằng việc cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Vì thế, sự kiện kết hôn là cơ sở pháp lý ghi nhận rằng, hai bên nam, nữ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Như vậy, sự kiện kết hôn là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa vợ và chồng, đồng thời sự kiện kết hôn còn là căn cứ có ý nghĩa cho việc xác định quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Như vậy, đăng ký kết hôn là một nghi thức xác lập quan hệ hôn nhân được Nhà nước thừa nhận. Để hôn nhân có giá trị pháp lý thì người kết hôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn.
Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, quyền kết hôn là một quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình của cá nhân. Cá nhân thực hiện quyền kết hôn theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan. Theo đó, muốn trở thành vợ chồng, nam nữ phải thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi cơ quan đăng ký kết hôn tiến hành đăng ký kết hôn, ghi vào sổ hộ tịch và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho họ thì giữa hai bên mới phát sinh quan hệ vợ chồng.
Ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn
– Đăng kí kết hôn là cơ sở pháp lý để pháp luật có thể bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi người. Sau khi đăng kí kết hôn sẽ hình thành đời sống hôn nhân và bắt đầu thời kì hôn nhân, vợ chồng sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ với nhau trong quan hệ hôn nhân gia đình. Nếu hai người sống chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn, khi chia tay rất khó để phân chia tài sản trong thời gian sống chung. Điều này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ đối với cả hai mà còn có ý nghĩa đối với con chung. Hai người yêu nhau, kết hôn, con sinh ra sẽ được khai sinh, sống dưới một gia đình hạnh phúc có cả cha lẫn mẹ về mặt tình cảm cũng như về mặt pháp lý. Nếu như đứa trẻ đó sinh ra trong thời gian sống chung thì chỉ là con ngoài giá thú của hai người.
– Đăng ký kết hôn là một nội dung quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong công tác quản lý hộ tịch, đảm bảo cho những trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng phù hợp với quy định của pháp luật, theo trật tự pháp lý ổn định. Đồng thời đăng ký kết hôn sẽ xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, những hủ tục tồn tại lâu dài trong xã hội, cản trở quá trình thực hiện chế độ hôn nhân tiến bộ trong xã hội.
Điều kiện để được kết hôn
Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải đáp ứng một số điều kiện nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do hai bên tự nguyện quyết định;
– Hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn như: Kết hôn giả tạo; tảo hôn; cưỡng ép kết hôn; đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác, kết hôn trong phạm vi 3 đời…
Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn
* Giấy tờ phải xuất trình
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký kết hôn.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
– Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
* Giấy tờ phải nộp
– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;
– Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn.
– Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn
– Người có yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.
– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm tên của người tiếp nhận.
– Hồ sơ sau khi đã được hướng dẫn mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ và lập văn bản từ chối tiếp nhận hồ sơ, trong đó ghi rõ lý do từ chối, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.
– Ngay sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, hướng dẫn hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
+ Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao có chứng thực giấy tờ đó.
+ Trường hợp pháp luật quy định xuất trình giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ xuất trình, đối chiếu với thông tin trong Tờ khai và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm bản sao giấy tờ đó. Người tiếp nhận có thể chụp 01 bản giấy tờ xuất trình hoặc ghi lại thông tin của giấy tờ xuất trình để lưu hồ sơ.
+ Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.
Thẩm quyền tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, các cặp đôi cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014, trong những trường hợp sau đây, nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp nam, nữ là UBND cấp huyện:
– Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
– Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
– Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Trường hợp hai người nước ngoài khi có nhu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì đến UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên để thực hiện việc đăng ký kết hôn (Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch).
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về thủ tục đăng ký kết hôn. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về thủ tục đăng ký kết hôn và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm