Thuế thu nhập cá nhân

Nộp thuế được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Một cá nhân có thể phải nộp nhiều loại thuế khác nhau. Một trong số các loại thuế cơ bản nhất là thuế thu nhập cá nhân. Vây hiểu như thế nào là thuế thu nhập cá nhân? Đặc điểm của loại thuế này ra sao? Cách tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Bài viết dưới đây của đội ngũ Luật sư Luật Rong Ba sẽ giải đáp cho quý khách hàng về những thắc mắc trên một cách cụ thể nhất.

1. Khái niệm thuế thu nhập cá nhân

Theo đó, thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.

Hiện nay, có 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Cụ thể:

Với cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phân biệt nơi trả thu nhập)

Với cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập).

2. Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân

– Là loại thuế đánh lên tất cả cá nhân có thu nhập chịu thuế. Vì là lọai thuế trực thu nên người chịu thuế thường khó có thể chuyển gánh nặng về thuế cho người khác. Cho nên tâm lý của người chịu thuế thường nặng nề hơn khi thực hiện nghĩa vụ thuế này so với các loại thuế gián thu.

– Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia.

– Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.

– Thuế thu nhập cá nhân là một lọai thuế phức tạp. Việc quản lý thuế; thu thuế đòi hỏi trình độ; kỹ thuật cao; chi phí quản lý thuế lớn. Cơ quan quản lý thuế phải nắm được các nguồn thu nhập của người chịu thuế, tình trạng cư trú của họ ở Việt Nam, vv…

3. Vai trò của thuế thu nhập cá nhân

3.1. Đối với nền kinh tế xã hội

– Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, thuế thu nhập cá nhân cũng có sự gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân đầu người.

Bên cạnh đó, do việc thực hiện tự do hóa nền kinh tế thương mại, nên nguồn thu từ các loại thuế xuất – nhập khẩu bị ảnh hưởng. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở nên quan trọng với ngân sách nhà nước.

– Góp phần thực hiện công bằng xã hội

Tại Việt Nam, sự chênh lệch giàu nghèo còn khá rõ rệt, số đông dân cư có thu nhập thấp. Thông thường, thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng với những đối tượng có thu nhập trung bình trở lên, cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, không đánh vào các cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Do đó, mặc dù thuế thu nhập cá nhân chưa mang đến nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng lại có vai trò quan trọng góp phần thực hiện chính sách công bằng xã hội.

– Điều tiết vĩ mô nền kinh tế

Thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội. Thông qua việc điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao, và phân phối lại cho những đối tượng có thu nhập thấp hơn, thuế thu nhập cá nhân góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội.

– Phát hiện thu nhập bất hợp pháp

Trong thực tế, nhiều khoản thu nhập của một số cá nhân đến từ các nguồn bất hợp pháp như: nhận hối lộ, tham ô, kinh doanh hàng quốc cấm, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thuế thu nhập cá nhân có vai trò quan trọng góp phần phát hiện các hành vi sai trái này.

3.2. Đối với hệ thống thuế

– Khắc phục hạn chế của các loại thuế khác

Thuế thu nhập cá nhân giúp khắc phục được hạn chế của các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu dùng: Tính lũy thoái. Cụ thể, các loại thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo nhiều hơn do khi tiêu thụ cùng lượng hàng hóa, mọi người đều phải chịu tiền thuế như nhau. Thuế thu nhập cá nhân tính theo phương pháp lũy tiến từng phần sẽ góp phần đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế.

– Hạn chế thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong các doanh nghiệp thường tồn tại 2 loại thuế: thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong trường hợp doanh nghiệp kê khai cao hơn thực tế các chi phí phải trả cho cá nhân để trốn thuế, thì các cá nhân được kê khai tăng thêm sẽ phải nộp thêm thuế thu nhập cá nhân với phần phát sinh. Do đó, góp phần khắc phục hạn chế thất thu về thuế.

thuế thu nhập cá nhân

thuế thu nhập cá nhân

4. Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế tính theo tháng, có thể kê khai theo tháng hoặc quý, nhưng sẽ quyết toán theo năm. Có 3 cách tính thuế thu nhập cá nhân dành cho 3 đối tượng khác nhau:

Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên: Tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng: Khấu trừ 10%

Cá nhân không cư trú (thường là người nước ngoài): Khấu trừ 20%

Với cá nhân cư trú có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó, thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ.

Các khoản thu nhập miễn thuế từ tiền lương, tiền công gồm: phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định pháp luật; thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Các khoản giảm trừ gồm: giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

Với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, theo Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Số thuế phải nộp được tính theo công thức: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

Còn với cá nhân không cư trú (người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú) không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập (thu nhập chịu thuế > 0 mới phải nộp thuế).

Về cách tính thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú, theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế.

Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, lao động ký hợp đồng thử việc mà có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.

5. Cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân online

Người nộp thuế thuộc diện phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế (không được ủy quyền) có thể khai thuế online theo các bước sau đây:

Bước 1: Truy cập hệ thống thuế điện tử của Tổng cục Thuế và đăng nhập tại địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/

Bước 2: Nhập thông tin mã số thuế, nhập mã kiểm tra để đăng nhập.

Bước 3: Chọn “Quyết toán thuế”, Chọn “kê khai trực tuyến”.

Bước 4:  Chọn thông tin tờ khai.

– Tên người nộp thuế: điền họ tên của người tự quyết toán

– Địa chỉ liên hệ: Nhập địa chỉ thường trú hoặc tạm trú

– Điện thoại liên lạc: điền số điện thoại của người tự quyết toán

– Địa chỉ email: điền email của cá nhân tự quyết toán

– Chọn tờ khai: 02/QTT-TNCN-Tờ khai quyết toán thuế TNCN(TT80/2021)

– Chọn cơ quan quyết toán thuế: Nội dung này hệ thống sẽ tự động hiển thị dựa trên thông tin kê khai của người nộp thuế.

Tại thời điểm kê khai, người nộp thuế không làm việc cho bất kỳ tổ chức chi trả nào, chọn quyết toán tại nơi tạm trú hoặc thường trú, khi đó hệ thống tự động nhân diện cơ quan quyết toán thuế.

– Trường hợp quyết toán: Chọn Quyết toán theo năm dương lịch.

– Loại tờ khai, năm kê khai: Hệ thống tự động nhập là Tờ khai chính thức, năm quyết toán 2021 (tức quyết toán với những khoản thu nhập phát sinh trong năm 2021).

Bước 5: Chọn “Tiếp tục” và Nhập dữ liệu tờ khai

Bước 6: Tích chọn Cam kết số liệu đã kê khai là đúng và Chọn “Hoàn thành kê khai”.

Bước 7: Chọn kết xuất XML

Bước 8: Chọn Nộp tờ khai, nhập mã kiểm tra để xác thực nộp tờ khai và chọn Tiếp tục.

Bước 9: In tờ khai

Sau khi chọn “kết xuất XML’, hệ thống sẽ gửi về người kê khai file tờ khai theo định dạng XML. Sử dụng máy tính có cài itax viewer để mở file tờ khai theo định dạng XML>> In >> Ký tên người khai thuế. Với ai chưa có ứng dụng có thể tải về ứng dựng đọc hồ sơ thuế XML- itax viewer tại địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, cài đặt như như các ứng dụng thông thường. Sau khi đã cài đặt thì bạn có thể mở file “kết xuất XML” như bình thường và chọn in 2 bản.

Bước 10:  Người nộp thuế cầm theo CMND/CCCD, chứng từ khấu trừ thuế thuế, Tờ khai thuế vừa in đến nộp tại Bộ phận một của của Cơ quan thuế đã nộp tờ khai. Với ai nộp tại cơ quan thuế nơi cư trú cần có thêm xác nhận cư trú.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về thuế thu nhập cá nhân. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về thuế thu nhập cá nhân và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.

Hotline: 0347 362 775
Tư Vấn Online
Gọi: 0347 362 775