Đất đai là một chủ đề được nhiều người quan tâm từ trước tới nay. Đặc biệt ngày nay, khi kinh tế phát triển các giá trị xã hội cũng dần thay đổi theo, rất nhiều dạng tranh chấp liên quan đến đất đai xuất hiện. Nổi bật lên đó là tranh chấp đất đai thừa kế ( Tranh chấp thừa kế về đất đai). Tuy nhiên các dạng của tranh chấp này rất đa dạng, nhiều người vẫn chưa hiểu tranh chấp đất đai thừa kế là gì? Trình tự, thủ tục giải quyết tránh chấp đất đai như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đó? Liệu khi có tranh chấp xảy ra, họ cần phải thực hiện những thủ tục nào? Bài viết dưới đây của đội ngũ Luật sư Luật Rong Ba sẽ đưa ra một số định hướng cơ bản cho quý khách hàng về vấn đề nêu trên
Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp đất đai
Khái niệm tranh chấp đất đai thừa kế
Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.
Thừa kế là quan hệ xã hội về việc chuyển giao di sản của người chết cho những người sống. Những quan hệ thừa kế xuất hiện đồng thời và gắn liền với sự phát triển của các quan hệ sở hữu. Quan hệ thừa kế và quan hệ sở hữu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sở hữu là yếu tố đầu tiên làm xuất hiện quan hệ thừa kế và thừa kế là phương tiện để duy trì và củng cố chế độ sở hữu. Pháp luật về thừa kế xác nhận và bảo hộ quan hệ thừa kế trong điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội của một Nhà nước trong từng thời kỳ cụ thể.
Như vậy, có thể rút ra được khái niệm tranh chấp đất đai thừa kế là sự bất đồng, xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ thừa kế.
Đặc điểm của tranh chấp đất đai
+ Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp ( Ví dụ như tranh chấp giữa anh em về mảnh đất do cha để lại)
+ Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;
+ Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà Nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.
Quy định của pháp luật về tranh chấp đất đai và các dạng tranh chấp đất đai
Tranh chấp về quyền sử dụng đất
+ Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau;
+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ li hôn giữa vợ và chồng;
+ Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác;
+ Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.
Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng làm phát sinh tranh chấp. Thông thường có các loại tranh chấp sau:
+ Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
+ Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng bào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
+ Tranh chấp về mục đích sử dụng đất
Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hỏa với đất thổ cư…trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất.
tranh chấp đất đai thừa kế
Các dạng chia di sản thừa kế đất đai khi tranh chấp xảy ra.
Chia thừa kế đất đai theo di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý nguyện của người để lại di sản, tuy nhiên vẫn có ràng buộc một số người vẫn nhận di sản cho dù không có di chúc (vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, con trên 18 tuổi mất khả năng lao động).
- Cách thức phân chia thừa kế theo di chúc:
- Các đồng thừa kế cần tiến hành theo các bước sau:
+ Công bố di chúc.
+ Họp mặt các đồng thừa kế thỏa thuận về chia di sản, xác định các nghĩa vụ tài sản cần trả,lập biên bản bằng văn bản.
+ Công chứng và niêm yết công khai Thỏa thuận phân chia di sản/Văn bản khai nhận di sản.
Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc
- Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Chia thừa kế đất đai theo pháp luật:
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
- Cách thức phân chia thừa kế theo pháp luật
+ Họp mặt các đồng thừa kế thỏa thuận về chia di sản, xác định các nghĩa vụ tài sản cần trả,lập biên bản bằng văn bản
+ Công chứng và niêm yết công khai Thỏa thuận phân chia di sản/Văn bản khai nhận di sản
Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai thừa kế.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ chuẩn bị khởi kiện thừa kế đất đai gồm:
Hồ sơ pháp lý người thừa kế: chứng minh nhân dân/Passport/Căn cước công dân; Giấy khai sinh (chứng minh quan hệ thừa kế); Sổ hộ khẩu;
Hồ sơ pháp lý thửa đất tranh chấp thừa kế: Sổ đỏ/sổ hồng/Bằng khoán/ Các tài liệu khác chứng minh tồn tại của đối tượng tranh chấp;
Di chúc (bản sao y chứng thực) trường hợp thừa kế theo di chúc;
Đơn khởi kiện.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai. Đây là tòa án nơi có địa chỉ mảnh đất tranh chấp.
Thời gian thụ lý là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận Đơn khởi kiện, thời gian chuẩn bị xét xử là 4-6 tháng kể từ ngày thụ lý.
Trường hợp “có” yếu tố nước ngoài thì Tòa án Tỉnh, Thành phố thuộc Trung ương có thẩm quyền.
Trường hợp “không” có yếu tố nước ngoài thì Tòa án Quận, Huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (điểm c khoản 1 Điều 39 Luật tố tụng dân sự 2015).
Bước 3: Tòa án sẽ mời các bên hòa giải trong quá trình chuẩn bị xét xử.
Bước 4: Tòa sẽ mở phiên xử khi trường hợp hòa giải không thành.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thừa kế
– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân: Điều 203, Luật đất đai 2013 quy định:
Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ được quy định tại điều 100, Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ theo quy định thì đương sự có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Uỷ ban nhân dân: Nếu các bên đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ được quy định tại điều 100 Luật đất đai và đương sự lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là nộp đơn yêu cầu giải quyết tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, điều 203 Luật đất đai.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Rong Ba về tranh chấp đất đai thừa kế. Bài viết đã phần nào giúp cho quý khách hàng hiểu rõ hơn về tranh chấp đất đai thừa kế và các thủ tục liên quan đến vấn đề này. Luật Rong Ba hi vọng quý khách hàng sẽ không gặp nhiều vướng mắc trong quá trình có tranh chấp đất đai xảy ra. Nếu như bạn đang gặp phải khó khăn trong quá trình tìm hiểu về tranh chấp đất đai thừa kế và những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ Luật Rong Ba để được tư vấn miễn phí. Chúng tôi chuyên tư vấn các thủ tục pháp lý trọn gói, chất lượng, uy tín mà quý khách đang tìm kiếm.